Cao huyết áp – Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ

Cao huyết áp là một vấn đề sức khỏe phổ biến và nguy hiểm, nếu người bệnh không kiểm soát tốt có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, đột quỵ,… Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cao huyết áp, mối liên hệ của tình trạng này với nguy cơ đột quỵ, đồng thời khám phá những biện pháp kiểm soát huyết áp và duy trì sức khỏe tim mạch.

Những nguyên nhân gây cao huyết áp

Cao huyết áp (tăng huyết áp) là tình trạng áp lực máu tác động vào thành mạch tăng cao hơn mức bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, không rõ chính xác nguyên nhân gây ra cao huyết áp. Tuy nhiên, theo thông tin từ NHS (National Health Service) – Tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Anh, các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp

Thừa cân

Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp (đối với người chưa mắc bệnh) và làm triệu chứng bệnh thêm nghiêm trọng (đối với những người đã mắc bệnh). Theo một khảo sát thực hiện năm 2020, được đăng tải trên Healthline – chuyên trang cung cấp thông tin uy tín về chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ, có gần 80% trường hợp thừa cân mắc bệnh cao huyết áp. Nguyên nhân được chỉ ra là do lượng mô mỡ tăng cao gây ra nhiều thay đổi phức tạp trong cơ thể, tình trạng cao huyết áp cũng vì thế mà trở nên khó kiểm soát. 

Thừa cân khiến lượng mô mỡ tăng cao, gây ra nhiều thay đổi phức tạp trong cơ thể, tình trạng cao huyết áp cũng vì thế mà trở nên khó kiểm soát

Ít vận động

Theo Liên đoàn Tim mạch Thế Giới, lối sống ít vận động là một trong những yếu tố chính yếu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó có cao huyết áp. Cụ thể, các vận động viên thường có nhịp tim chậm hơn so với người bình thường, ngược lại, những người không vận động hoặc ít vận động có nhịp tim cao hơn. Điều này làm tăng áp lực lên thành động mạch và gây ra cao huyết áp.

Căng thẳng kéo dài

Theo một nghiên cứu của Mayo Clinic – Tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo Y tế Hoa Kỳ, tình trạng lo âu và căng thẳng diễn ra quá thường xuyên có thể khiến huyết áp tăng vọt trong thời gian ngắn. Bởi lẽ khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone như Adrenalin, Noradrenalin, Cortisol,… khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp cũng vì thế mà tăng nhanh. 

Tình trạng lo âu và căng thẳng diễn ra quá thường xuyên có thể khiến huyết áp tăng vọt trong thời gian ngắn

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn thừa muối không chỉ làm tăng nguy cơ cao huyết áp mà còn gây ra nhiều bệnh lý tim mạch và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Theo thông tin từ UC Davis Health – Trung tâm y tế học thuật nổi tiếng tại California (Mỹ), tổng lượng muối ăn mỗi ngày của một người không nên vượt quá 1.500-2.000 miligam (mg). 

Ngoài ra, lạm dụng rượu bia cũng làm tăng hoạt động của cơ tim, mạch máu co lại, gây ra tình trạng cao huyết áp.

Triệu chứng của bệnh cao huyết áp

Triệu chứng của bệnh cao huyết áp có thể không rõ ràng trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Triệu chứng điển hình của bệnh cao huyết áp có thể kể đến như thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, giảm khả năng tập trung, dễ nóng giận. Đau nửa đầu vùng sau gáy hoặc đau dai dẳng hai bên đỉnh đầu cũng có thể là biểu hiện của bệnh cao huyết áp.

Ngoài ra, một số trường hợp có những triệu chứng thoáng qua như chóng mặt, buồn nôn hoặc ói mửa; chuột rút; ù tai; hoa mắt. Một số người bệnh khác có triệu chứng nghiêm trọng hơn như nhồi máu cơ tim, khó thở, suy giảm thị lực,…

Thường xuyên kiểm tra huyết áp là cách tốt nhất để bạn và người thân sớm phát hiện bệnh, từ đó có phương pháp can thiệp kịp thời.

Thường xuyên kiểm tra huyết áp là cách tốt nhất để sớm phát hiện bệnh, từ đó có phương pháp can thiệp kịp thời

Mối liên hệ giữa cao huyết áp và đột quỵ 

Cao huyết áp nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có đột quỵ.

Cao huyết áp gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc mạch máu não. Cụ thể, áp lực liên tục từ tình trạng cao huyết áp làm tăng xơ vữa mạch máu, thành mạch trở nên dày cứng hơn và dễ bị tổn thương. Các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn, đây cũng chính là lý do các tế bào não thường chết trong cơn đột quỵ. Vì thế, chứng xơ cứng mạch máu, dẫn đến tăng áp lực mạch, tăng huyết áp trở thành một dấu hiệu dự báo đột quỵ. 

Bí quyết phòng ngừa tăng huyết áp

Kiểm soát cân nặng

Thừa cân là một trong những yếu tố gây tăng áp trong hệ thống tuần hoàn, dẫn đến tình trạng cao huyết áp. Bằng cách duy trì một cân nặng khỏe mạnh, ta có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn.

Bạn và người thân cần kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và hình thành thói quen rèn luyện thể chất, từ đó phòng ngừa tăng huyết áp và duy trì sự ổn định của toàn bộ hệ thống tuần hoàn.

Chế độ ăn uống: Nên và Không nên

Để duy trì huyết áp ổn định, việc chọn lựa thực phẩm phù hợp là rất quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý các loại thực phẩm giúp kiểm soát chỉ số đường huyết của bạn và người thân hiệu quả hơn.

NÊN:

– Rau xanh giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có khả năng giảm áp lực trong mạch máu, có lợi cho tim mạch. Hãy đảm bảo các loại rau như rau bó xôi, rau cần tây, rau cải cúc, rau diếp, hành tây, cà chua, cà tím,…  được bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày.

– Các loại hoa quả giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng cần thiết như kali, canxi, magie, các chất chống oxy hóa… vô cùng hữu ích trong việc hỗ trợ hạ huyết áp cho người bệnh. Những loại trái cây người bệnh cao huyết áp nên ăn bao gồm chuối, trái cây có múi, các loại quả mọng và dưa hấu.

– Các loại cá như cá hồi hoặc cá thu giàu axit béo omega-3 có tác dụng duy trì, ổn định mạch máu và giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả

– Các loại hạt giúp bổ sung các axit amin cần thiết cho cơ thể, đồng thời chứa axit béo không bão hòa, có lợi cho hệ tim mạch và hỗ trợ hạ huyết áp

KHÔNG NÊN:

– Thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn: Cần hạn chế tiêu thụ các loại thịt xông khói, xúc xích, cá hộp,…vốn là những thực phẩm chứa hàm lượng muối cao để bảo quản hương vị. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân làm tình trạng cao huyết áp thêm nghiêm trọng.

– Đồ ngọt: Các thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, nước có ga dễ gây tăng cân, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

– Thực phẩm giàu cholesterol: Cần hạn chế tiêu thụ các loại thịt mỡ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh vì những thực phẩm này gây rối loạn lipid máu, khiến động mạch bị xơ cứng, là nguyên nhân gây cao huyết áp và làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.

Để duy trì huyết áp ổn định, việc chọn lựa thực phẩm phù hợp là rất quan trọng

Tăng cường luyện tập

Khi tập luyện, cơ bắp của chúng ta hoạt động nhiều hơn giúp máu lưu thông tốt hơn trong toàn bộ cơ thể. Điều này giúp cải thiện khả năng bơm máu của tim, giảm áp lực lên thành mạch, từ đó làm giảm huyết áp. Thêm vào đó, tập thể dục thường xuyên cũng giúp giảm căng thẳng – vốn là một yếu tố tiềm ẩn gây cao huyết áp.

Các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội hay thể dục nhịp điệu được xem là hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Bạn và người thân cần đều đặn tập thể dục từ 30 đến 60 phút mỗi ngày để có thể giúp duy trì huyết áp ở mức bình thường.

Tóm lại, để phòng ngừa cao huyết áp, việc duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn là rất quan trọng. Đồng thời, cần theo dõi sát sao chỉ số huyết áp của bạn và người thân để có biện pháp điều trị kịp thời, giảm tối đa nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ.

Thường xuyên theo dõi Website: bayotech.vn Fanpage BayoTech để cập nhật những thông tin hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe gia đình. Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm gian hàng chính thức của BayoTech tại Shopee để mua hàng với những ưu đãi hấp dẫn nhé!

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan